TIN TỨC

Thị trường sáng tác âm nhạc: Nỗi lo tăng lượng, giảm chất

Thứ ba, 15/09/2020 08:54 GMT+7

Trong những năm gần đây thị trường sáng tác âm nhạc Việt Nam ghi nhận sự phát triển nhanh chóng, đặc biệt là từ những người trẻ. Tuy nhiên, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các tác phẩm âm nhạc đứng trước nguy cơ "tăng lượng nhưng giảm chất".

Thị trường sáng tác âm nhạc Việt Nam đang bị chi phối, chạy theo các xu thế hiện đại.Thị trường sáng tác âm nhạc Việt Nam đang bị chi phối, chạy theo các xu thế hiện đại.

Còn nhiều khoảng trống

Sáng tác ca khúc luôn là thế mạnh của âm nhạc Việt Nam. Bên cạnh các nhạc sĩ lão thành thế hệ chống Pháp, lớp nhạc sĩ xuất hiện trong thời kỳ chống Mỹ, đến những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX đã khẳng định vị trí của mình.

Tiếp theo các thế hệ đàn anh, một lực lượng sáng tác trẻ đã xuất hiện và trở thành tiếng nói mới góp phần vào đời sống ca nhạc, chiếm được cảm tình của công chúng và có tác dụng tích cực với xã hội. Hàng năm các nhạc sĩ đã sáng tác hàng trăm tác phẩm, thể loại phong phú, từ đơn ca, song ca, tốp ca, hợp xướng. Chủ đề đa dạng, phản ánh mọi mặt của con người và cuộc sống, ngôn ngữ âm nhạc từng bước có sự tìm tòi, phối khí dàn dựng được nâng cao chất lượng.

Tuy nhiên, nhìn vào thị trường âm nhạc Việt Nam trong những năm gần đây rất dễ nhận thấy một xu thế là đa phần các nhạc sĩ trẻ chỉ chú ý viết các ca khúc thị trường dòng nhạc Pop, không biết đến dòng âm nhạc chính thống, kinh điển bác học, và dòng âm nhạc cổ truyền. Nguyên nhân là trong nền kinh tế thị trường, âm nhạc trở thành hàng hóa nên mọi hoạt động của guồng quay showbiz bao trùm lên đời sống âm nhạc, xuất hiện các sân chơi ca nhạc, vô hình trung biến âm nhạc thành những sản phẩm giải trí đơn thuần, hạ thấp tính giáo dục, tính thẩm mỹ. Tình trạng này tác động đến các chủ thể sáng tạo từ nhạc sĩ, ca sĩ, đạo diễn âm nhạc, nhà sản xuất, dẫn đến tình trạng buông lỏng chất lượng, nghiệp dư hóa và lệch chuẩn.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: Đây là một lĩnh vực phức tạp, cần có sự đánh giá tỉnh táo và công minh trước những hiện tượng lệch lạc, lai căng của một số bài hát mang tính thị hiếu tầm thường, chạy theo đám đông; ca từ dễ dãi, thậm chí thô tục, phản cảm.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng cho rằng, đây còn là một hiện tượng xã hội khách quan, một trào lưu có tính chất thời sự, dẫn đến khuynh hướng coi nhẹ nội dung chủ đề, chuộng hình thức bên ngoài. Chúng ta không thể ngăn cấm mà cần đi sâu vào giới trẻ để hiểu và hướng dẫn họ trong việc sáng tác và biểu diễn.

Bên cạnh đó, mảng sáng tác cho thiếu niên, nhi đồng một thời gian dài bị buông lơi, ít nhạc sĩ chú trọng đến đối tượng này, nên ít có những bài hát mới, hay về lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Ngoài ra, trong công tác sáng tác đến nay vẫn chưa bồi dưỡng phát triển được đội ngũ sáng tác khí nhạc trẻ để tiếp tục con đường khí nhạc chuyên nghiệp viết lên những tác phẩm dài hơi như Opera, Symphony, Concerto, Hợp xướng...

Cần các biện pháp căn cơ

Có thể nói thị trường sáng tác âm nhạc Việt Nam đang bị chi phối, chạy theo các xu thế hiện đại. Mặc dù không thể phủ nhận nền âm nhạc Việt Nam sau các thế hệ “cây đa cây đề” như Nguyễn Văn Thương, Đàm Linh, Nguyễn Đình Tấn, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Dương Thụ… đã thấy xuất hiện những nhân tố mới, là các tác giả trẻ với những sáng tác mang âm hưởng đương đại, mới mẻ, giàu cảm xúc như Đỗ Bảo, Giáng Son, Lưu Thiên Hương, Hồ Hoài Anh, Sa Huỳnh…

Tuy nhiên, trong hàng trăm, hàng nghìn ca khúc mới, kể cả lĩnh vực âm nhạc kinh điển như hợp xướng, giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch… vẫn chưa có những tác phẩm đỉnh cao, có sức lan tỏa, vang vọng lâu dài như tác phẩm thời kỳ trước.

Thậm chí, nhiều ca khúc kinh điển qua bàn tay “nhào nặn” của một số người mang danh nhạc sĩ đã biến tướng thành những bài hát dị hợm, thô tục. Như bài hát “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” đã bị chế lời khá thô thiển. Hay ca khúc “Huyền thoại mẹ” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng bị chế lời rất phản cảm. Tuy nhiên, dù rất phản cảm, những các khúc này vẫn ngang nhiên được đăng tải trên các trang mạng xã hội mà chẳng bị cơ quan chức năng nào “tuýt còi”.

Chưa kể vấn đề bản quyền khi có tới hàng nghìn bản nhạc chế đang tràn lan trên mạng xã hội, thế nhưng không phải bài hát nào cũng được sự đồng ý từ tác giả của ca khúc gốc. Thậm chí, các ca khúc quen thuộc bị sửa lại bằng ca từ mới vẫn được biểu diễn trong một số chương trình mà tác giả không hề hay biết.

Có thể thấy rằng, nhạc thị trường không đòi hỏi cao ở người nghe, ai cũng có thể nghe được và thuộc được, ca từ chỉ đảo quanh nội dung yêu đương nhàm chán. Cùng với đó dòng nhạc này lại không kén người hát, những ca khúc thuộc hàng thị trường tương đối dễ hát, thậm chí người được gọi là ca sĩ cũng chẳng cần có kiến thức tương đối đầy đủ về âm nhạc. Người sáng tác những ca khúc thị trường không cần đợi ý tưởng mà chỉ cần sáng tác vội theo thị hiếu của một bộ phận giới trẻ, đơn thuần để câu like, câu view mà thôi.

Chính sự lệch chuẩn này đã khiến các cơ quan quản lý đau đầu trong công tác kiểm soát, bởi thị trường âm nhạc đã xuất hiện những tác phẩm lai căng, đi ngược thuần phong mỹ tục của người Việt. Nguy hại hơn, nó khiến nhiều người lầm tưởng đây là dòng nhạc chính thống đại diện cho nền nhạc mới của nước ta hiện nay.

Nhìn nhận về vấn đề này, nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Minh Châu cho rằng: Những sản phẩm đáp ứng thị hiếu nhất thời cũng giống như thời trang thôi, hết mùa sẽ được thay thế bởi mẫu mã khác. Thời gian không ngừng đào thải những sản phẩm nhái hoặc kém chất lượng nghệ thuật. Tuy nhiên, sự ra đời của nhạc thị trường chính là tính tất yếu trong những thời điểm lịch sử nhất định, để âm nhạc nghệ thuật vượt lên, tìm tòi những chuẩn mực mới, từng bước minh định lại thị hiếu công chúng.

Angel Baby

Troye Sivan

01
Con Hỏi Phật

Cao Tùng Anh

02
Nâng Chén Tiêu Sầu

Bích Phương

03
Đơn Giản Anh Yêu Em

Hồ Quốc Việt

05
Hẹn Kiếp Sau

Khả Hiệp

01
Đơn Giản Anh Yêu Em

Hồ Quốc Việt

02
Señorita

Shawn Mendes - Camila Cabello

03
Ai Chung Tình Được Mãi (Lofi)

Đinh Tùng Huy - ACV

04
Mưa Tháng Sáu

Nhiều ca sĩ

05